NIỀM VUI CỦA CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ở trường tôi, cuộc họp đầu năm luôn gay cấn và hồi hộp nhất có lẽ khi đến phần ban giám hiệu công bố danh sách giáo viên làm công tác kiêm nhiệm là chủ nhiệm lớp.  Ai cũng nhận thấy rằng công tác chủ nhiệm rất vất vả và chịu nhiều áp lực. Khi được phân công làm nhiệm vụ này, hầu như ai cũng lo lắng bởi vì nhiệm vụ cao cả mang tính giáo dục và tiếp xúc với những đối tượng học sinh khác nhau. Có em thì ngoan, nhiệt tình, học tốt, tự tin thể hiện cá tính; tuy nhiên có em thì rụt rè, nhút nhát, học yếu; hoặc có em hay nghịch ngợm, ý thức kém, cần có sự giáo dục đặc biệt,  và cũng có những em có hoàn cảnh khó khăn, đáng thương và cần được giúp đỡ…. Tuy nhiên, nếu là một giáo viên tâm huyết với nghề, tận tâm với học trò, yêu thương học sinh và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc thì công tác chủ nhiệm cũng sẽ mang lại không ít niềm vui cho thầy, cô chủ nhiệm.

Thứ nhất, Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp là người được gắn bó, gần gũi nhiều nhất với học sinh mà mình phụ trách. Nhất là các giáo viên thuộc bộ môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh sẽ có nhiều lợi thế vì giảng dạy nhiều tiết trong một tuần. Ngoài những giờ mà phải có mặt với lớp như tiết chào cờ, sinh hoạt lớp thì họ còn gặp lớp thông qua tiết dạy. Chính vì gần gũi nhiều nên GVCN sẽ nắm bắt được đặc điểm về tính cách, tâm, sinh lý, hoàn cảnh gia đình cũng như  ưu khuyết điểm của từng học sinh. Qua đó, GVCN sẽ có phương pháp phù hợp với từng em, giúp các em phát huy ưu điểm cũng như có cách giáo dục hợp lí với học sinh cá biệt.

Những trải nghiệm thực tế trên, lâu ngày sẽ trở thành những kinh nghiệm quý giá, là những bài học thiết thực, bổ ích mà không có sách, vở, trường lớp nào dạy được. Đó chính là những trang giáo án sinh động nhất, hữu ích nhất đối với người làm nghề dạy học.

Thứ hai, GVCN là người phụ trách lớp nên tất cả các hoạt động giáo dục ở trường thì bắt buộc đều phải đồng hành cùng với học sinh lớp mình tham gia. Đây là cơ hội thắt chặt tình cảm giữa thầy và trò hơn. Nhất là các hoạt động giáo dục lớn đòi hỏi nhiều công sức và nhiều học sinh tham gia như các phong trào thi đua chào mừng 20/11, kỉ niệm 26/3. Chính những hoạt động này, đã tạo cơ hội để GVCN lớp “ghi điểm” với học sinh lớp mình phụ trách. Đồng thời cũng là dịp sẽ để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp giữa thầy và trò. Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các buổi lao động, vệ sinh… khi GVCN cùng tham gia với học sinh sẽ tạo thành những kỉ niệm đẹp, những dấu ấn khó phai giữa thầy trò mà những giáo viên bộ môn không dễ có được. Và đó cũng là sợi dây vô hình làm cho học sinh gắn kết, lưu luyến với trường và nhớ về người GVCN nhiều nhất khi mai này các em khôn lớn. Đây chính là niềm vui về mặt tinh thần mà không thứ gì có thể sánh được.

Một niềm vui nữa mà GVCN lớp có được chính là được phụ huynh học sinh trong lớp biết đến nhiều hơn so với giáo viên giảng dạy bộ môn. Có thể phụ huynh trong lớp sẽ có người này, người kia nhưng chắc chắn sẽ có người quan tâm, giúp đỡ (về mặt tinh thần) trong công việc, như chia sẻ nỗi vất vả của người GVCN lớp, giúp biết được thông tin học sinh khác trong lớp mà mình phụ trách. Điều mà học sinh cá biệt thường rất ít cung cấp. Đó là chưa kể khi cần phụ huynh giúp đỡ trong những công việc khác thì GVCN sẽ có “sức mạnh hơn” so với các giáo viên không phải làm công tác chủ nhiệm.

Qua đó, để thấy làm công tác chủ nhiệm lớp mặc dù chịu nhiều thiệt thòi, áp lực. Nhưng không phải là không có niềm vui, dù chỉ là về mặt tinh thần. Tuy nhiên để có được những niềm vui dù nhỏ bé đó, đòi hỏi người GVCN lớp ngoài các kĩ năng được đào tạo thì còn phải có tâm với học sinh lớp mình phụ trách. Có như vậy mới có thể tạo ra được những tình cảm tốt đẹp về tình thầy trò và học sinh của chúng ta luôn là những bông hoa tươi đẹp, tỏa mãi hương thơm của tuổi học trò. Mà đây chính là điều đọng mãi trong lòng bao thế hệ học trò, dù mai này có ra đời thì các em vẫn luôn nhớ: ngày xưa người thầy (cô) ấy đã chủ nhiệm mình đó.

                                                                                                                                  (Nguồn : Tổ Tiếng Anh)