NGÔI TRƯỜNG TÔI YÊU – HÀNH TRÌNH BIẾN SỎI ĐÁ THÀNH HOA
Lượt xem:
Tác giả: Cô H’Kachia Kbuôr – Phó Hiệu trưởng
Bài viết đăng trên tập san giáo dục và đào tạo Đắk Lắk xuân Mậu Tuất 2018
Ngày đầu tiên gặp gỡ với ngôi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, tháng 8 năm 2009, cảm xúc đầu tiên là : XANH và NẮNG .Ngôi trường tràn ngập ánh nắng và màu xanh ngút ngàn của cỏ, cỏ quanh sân, cỏ sát hành lang , cỏ vướng chân người đi, cỏ lút đầu nguời đứng, cỏ vẫy chào giữa nắng , có mênh mông bạt ngàn không thấy tường rào , không chút kẽ hở để đặt chân dạo vòng quanh trường mới, cỏ vẫy chào chúng tôi trong cái nắng hanh khô nghênh ngang đầy thử thách .
Học trò ngày ấy , chưa đủ 500, vỏn vẹn 2 lớp 12 “học ké” trường bạn vì thiếu thầy cô, 3 lớp 11 cũng “gửi tạm” nhà bạn và 6 lớp 10 mới ngây ngô vào trường chung cảm xúc “Trường gì lạ thế”. ” Người lớn” lúc ấy cũng chỉ hơn 10 đầu ngón tay 1 tí, cũng đã từng tự “gửi gắm” trường bạn rồi mới chính thức bước vào nơi mình được phân công công tác, có người cười, cũng có người bật khóc, và vài người lắc đầu lo lắng.
Những ngày tập trung tháng 8/2009 _ nhớ mãi thôi, thầy cô, học trò đứng giữa sân trường đổ lớp đá dăm mỏng rộng mênh mông, cột cờ trơ trọi giữa sỏi đá để bắt đầu “cuộc chiến đấu với đám cỏ ngoan cố”, ” biến sỏi đá thành hoa”. Mỗi trò mỗi thầy cô một cuốc , cứ thế chiến đấu trong 3 ngày thì gặp trở ngại, đám cỏ xanh rì chỉ là lớp trên thôi, dưới cỏ là đất cát và đá, đá nho nhỏ xinh xinh lôi lên xếp thành dãy, đá to to hiên ngang dùng đủ mọi cách bẫy lên thì có ngay một hố to đùng. Những hòn đá mà nếu cụ Nguyễn Tuân ví von ở sông Đà là tiền đạo, hậu vệ thì ở đây cũng phải hạng võ sĩ, đấu sĩ chứ chẳng chơi, mồ hôi đổ xuống, máu cũng đổ 1 ít nhưng mà đám cỏ lì lợm và đám đá ngoan cố vẫn ở mọi nơi. Những con người nơi ” đất rộng người thưa, đá sỏi vô biên” cứ thế chiến đấu với đá, với sỏi, với nắng với cỏ từng đợt từng đợt.
Kể lại bây giờ, cũng chẳng thể hết, cũng không nhớ kết, và cũng chẳng thể đủ cảm xúc để mà sống lại như ngày xưa ấy. Nhưng mà nhớ lại thi hình như ” anh cả” của cả trường_ thầy Hiệu trưởng Mai Quốc Tuấn nói đơn giản:
– “Bây giờ trò trồng hoa, thầy cô trồng cây”
Ngày ấy : Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai năm 2009
Và thế là cùng nhau trồng, ngoài các cây xà cừ, cây phượng, sao đen giữa sân trường thì thầy cô ôm 500 cây bạch đàn đi trồng , cả đội hình nếu nhớ không nhầm thì là hơn 20 , cuốc hố, xé bọc trồng theo đội hình lộn xộn, không thể thẳng hàng, vì cứ cuốc chỗ nào đá thì bỏ mà đất thì đào. Buồn cười lắm, cứ như đi khai hoang đất vậy, cùng trồng, cùng cười cùng hy vọng vì một ngôi nhà chung không chỉ có cỏ và đá mà còn hoa và cây, vui vẻ lắm, hạnh phúc lắm, cống hiến và nuôi những hy vọng đẹp như chính cái tâm của tuổi trẻ đầy ước mơ.Thế nhưng mà ” người tính không bằng trời tính” : năm ấy mưa nhiều, cả sân trường biến thành biển nước, bọn trẻ có thêm trò tát cá giữa sân và chỉ còn lại gần chục cây sống sót.Tất cả công sức gần như không.
Bây giờ : Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai năm 2017
Bọn trẻ của chúng tôi, chúng ở nơi khó khăn lắm,hầu như gia đình ở vùng II, vùng III bố mẹ nhiều đứa chỉ làm thuê qua ngày để kiếm đủ gạo cho đàn con nheo nhóc, , nhiều đứa đi lao động, đi tập trung mặc áo rách quần vá vì để dành đồng phục đi học. Bọn trẻ của chúng tôi đi cách xa hàng chục km đường đất lầy lội, sáng đi học chiều phụ bố mẹ rẫy nương .Và bọn trẻ ngày ấy cũng vì ngôi trường mới , ngôi nhà mới mà vui vẻ cuốc đất, lật đá, đổ đất, trồng cây, trồng hoa, cũng vun vén luôn bao hoài bão ước mơ. Đàn anh 12 được gửi ngoài trường bạn để học, còn 2 khối đàn em tiếp tục , chúng đào đá xong, lấy máy cày đổ đất mới và trồng lên đó những cây hoa giản dị, mộc mạc, làm gì có ống nước mà ca thán ” hết nước, ống gãy, thiếu ống như bây giờ”. Chúng, cứ mỗi lớp sắm 2 cái xô và xách nước từ nhà vệ sinh đến công trình tự giác từng xô từng xô đến khi nào đủ nước. Vậy mà các công trình vẫn nở hoa, đẹp nổi bật giữa sỏi đá, rực rỡ dưới ánh nắng và khoe khoang sự kiêu hãnh trước đám cỏ ngang ngược, chúng như những nét phác họa chân dung của mỗi đứa học trò nơi đây :Lớn lên từ khó khăn, gian khổ và vì việc học tập, vì ước mơ hoài bão mà vượt qua.
Thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai trồng cây
Bác Hồ đã dạy cho chúng ta: ” Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” khởi nguồn của lòng quyết tâm và nuôi lớn tình yêu thương, mỗi thế hệ học trò chúng tôi ra trường tung cánh khắp phương trời đã để lại cho ngôi trường nhiều hơn những gì chúng nghĩ : Đất vẫn cằn khô như thế , đá vẫn còn ở đây, nhưng khu đồng cỏ đã thành vườn nghệ nơi khu học nghề, nơi ngập úng đã thành vườn keo mới xanh ngắt, những công trình tự giác của các lớp đã phủ dày hoa rực rỡ, đầy màu sắc.Học trò của chúng tôi bây giờ giống như sỏi đá nơi đây phần lớn đã phủ đầy hoa, có em đã trưởng thành, có em vẫn đang ngồi đây học tập nhưng những cố gắng nỗ lực của chúng trong học tập và rèn luyện ngày càng tốt hơn, dày thành tích hơn .
Ngày ấy : Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai năm 2010
Bây giờ : Cũng góc sân ấy Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tháng 12 năm 2017
Lời dạy của thầy cô, hành trang của học trò đâu chỉ là những kiến thức trên bục giảng mà còn là vun vén cho chúng được tình yêu thương. Có yêu trường, yêu lớp , yêu bạn, yêu thầy cô chúng mới khiến ngôi trường non trẻ không còn xơ xác, trơ trọi mà trở nên đẹp và đáng yêu như thế này,dạy những đứa trẻ biết yêu thương biết quý trọng, biết lao động sáng tạo và trân trọng thành quả chẳng phải đã phần nào thành công trong sự nghiệp trồng người?
Mùa xuân này, đón Tết này, Viết cho nơi yêu thương, cho ngôi trường gần bước sang năm thứ 10 với niềm tự hào , với sự trân trọng và lời cảm ơn chân thành đến cho những người đã tạo nên ngôi trường, những người đã cùng chúng tôi bước đi, hỗ trợ, giúp đỡ hết mình những người đã cho thầy trò tôi một nơi yêu thương như gia đình thứ hai để xốn xang đón Xuân về./.