MANG TẾT ĐẾN VỚI HỌC SINH NGHÈO!
Lượt xem:
NHỮNG MÙA XUÂN ẤM ÁP
Chúng tôi vẫn thường gọi những mùa xuân ở Minh Khai như thế!
Mỗi năm qua đi, mảnh đất xa xôi này đã dần thay da đổi thịt, đời sống của nhân dân quanh vùng cũng dần thay đổi. Nhà trường cũng có những bước chuyển mình về cơ sở vật chất, chất lượng, số lượng học sinh và kết quả chuyên môn. Nhưng có một điều không đổi, đó là những hoàn cảnh học sinh vô cùng khó khăn, và tấm lòng yêu thương ở đây, thì vẫn như thủa ban đầu; có chăng, sự thay đổi qua từng năm chỉ là từ những nền nhà đất lồi lõm được thay bằng những nền xi măng nhám đất, hay những miếng bạt, miếng gỗ mục quây xung quanh thành tường nhà đã được gia cố chắc chắn hơn một chút, được xây bằng những viên gạch cũ “khang trang” hơn một chút.
Mùa xuân ở Minh Khai bắt đầu không phải bằng những món quà giá trị, không phải bằng những chương trình trao quà tại sân trường, mà là đến tận nhà các em, những em xa xôi nhất, khó khăn nhất, trao tận tay các em những suất quà nho nhỏ, chỉ giá trị 200-300 nghìn đồng/suất, tiền mua quà là tiền mà các thầy cô và học sinh trong trường đóng góp, mang cả tấm lòng đến với các em.
Năm nay cũng như những năm trước, chúng tôi dành một ngày mang Tết đến với các em học sinh của trường ở 2 khu vực xa nhất là xã Ea Uy và Ea Yiêng, các em là người dân tộc Ê Đê và Xơ Đăng. Với số tiền thầy cô và các em quyên góp đã chuẩn bị 16 suất quà đến tận nhà các em, gặp gỡ phụ huynh và các em, tặng quà, động viên các em chuyên tâm đến lớp, cố gắng trong học tập. Tham gia chuyến đi luôn có các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường, các Đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm, và các giáo viên khác tham gia, chia làm 2 nhóm vì nhà các em ở rất xa nhau. Ngoài ra còn có một số em học sinh tham gia, để các em hiểu hơn hoàn cảnh của bạn mình, tương thân tương ái.
Đoạn đường đến với em học sinh gần nhất cũng mất vài cây số, xa nhất chừng gần 20 cây, đường ngoằn nghèo, lồi lõm, dốc lên dốc xuống, trời nắng thì bụi tung mù mịt, trời mưa bùn ngập qua đầu gối. Chúng tôi năm nào cũng đi qua những con đường ấy, và năm nào cũng nói với nhau những câu: “Nếu mình ở đây chắc gì đi học được như tụi nhỏ”, “Thôi bữa sau đi học có muộn chút thầy cũng không mắng nữa nhé”, “Thế này chắc phải dậy từ 5h ấy nhỉ?”…Trong lòng chỉ còn lại sự đồng cảm sâu sắc. Dẫu biết rằng ngoài kia, trên những vùng cao Tây Bắc, còn những hoàn cảnh khó khăn hơn rất nhiều, nhưng đối với chúng tôi, các em cố gắng đến với mái trường THPT, vượt qua nhiều khó khăn về đường đi, về kiến thức, về sự hòa nhập, đã là rất đáng quan tâm và trân quý. Và hơn hết, đó là sự yêu thương với chính những đứa học trò mà mình trực tiếp giảng dạy.
Đến với các em, mới cảm nhận chân thật nhất về sự khó khăn của các em, và việc cố gắng đi học được là rất đáng quý. Những mái nhà gió lùa khắp nơi, vật dụng trong nhà không có gì giá trị, đất đai cằn cỗi, chỉ có thứ giá trị nhất là một “đàn” con thơ. Nhà ít nhất cũng có đến 7 đứa con đang tuổi ăn học…Các phụ huynh chia sẻ, Tết đến cũng không mua gì cả, nếu có vài đồng thì mua mấy gói kẹo, còn ai thuê đi làm thì vẫn đi làm như ngày bình thường thôi, mấy đứa nhỏ nghỉ học ngày Tết cũng tranh thủ đi làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình…
Kết thúc chuyến đi, ai trong chúng tôi cũng có những xúc cảm rất riêng, nhưng đều chung suy nghĩ sẽ quan tâm hơn đến với các em, cố gắng gần các em hơn 1 chút, để các em cố gắng vượt lên hoàn cảnh của mình, ít nhất hoàn thành được chương trình THPT.
Công tác chuẩn bị
Lên đường, những cung đường trong mơ…bụi
Tặng quà cho các em. Thưởng thức cơm lam, món ăn truyền thống các em mời thầy cô
Góc nhà gió lùa
Chụp ảnh kỉ niệm cùng gia đình
Ngôi nhà 134 nhà nước xây tặng
Mái nhà liếp đơn sơ
Nhà quây bạt 4 xung quanh
Mái nhà vách đất
Cơm lam
Nhà sàn